Văn hóa truyền thống Phụ_nữ_Việt_Nam

Áo dài truyền thống.

Mặc dù bị ảnh hưởng không ít từ các nền văn hóa ngoại quốc trong suốt hàng nghìn năm bị đô hộ, phụ nữ Việt Nam vẫn giữ gìn được nét đẹp vốn rất riêng cho họ khi hiếm quốc gia nào có được. Xã hội càng ngày phát triển, con người càng văn minh nhưng những đức tính truyền thống của người phụ nữ từ nông thôn đến thành thị vẫn nguyên giá trị, đó chính là những vẻ đẹp trong gia đình, xã hội; vẻ đẹp người làm vợ, làm mẹ; vẻ đẹp nữ doanh nhân, ca sĩ, thi sĩ, diễn viên, hoa hậu, tri thức; vẻ đẹp ý nhị, lịch sự...

Những nét đẹp hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn với những đức tính truyền thống tạo nên dáng vẻ và tính cách mang ý nghĩa với bản chất thuần Việt, tiêu biểu cho các tầng lớp phụ nữ Á Đông.

Tuy không thể đua với nam giới về sức vóc, tài trí, hay việc tranh đoạt trong thiên hạ nhưng vẫn nhiều công việc gia đình và xã hội cần đến người phụ nữ. Lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận những hình ảnh thường ngày về người phụ nữ cổ truyền. "Sớm ra ruộng lúa, tối về nương dâu", người phụ nữ ngày xưa tầm tơ canh cửi là chủ nhân của những bánh xe quay sợi bằng đất nung từ thời Lý. Họ lập được những kỷ lục về trồng dâu nuôi tằm với một năm tám lứa. Tơ lụa, sa the, lĩnh, láng mà nước ngoài chuộng mua phần lớn đều sản xuất ra từ những bàn tay khéo léo của họ. Hình ảnh người phụ nữ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", tần tảo làm lụng rất phổ biến ở các vùng làng quê Việt Nam là lực lượng lao động chính trong các mùa vụ sản xuất lương thực. Công việc của họ là làm đồng, làm gốm, chèo truyền, bán hàng, bật bông kéo sợi, dệt vải, may vá quần áo, ngoài ra họ còn là những nghệ sĩ sáng tác và hát dân ca, múa dân tộc...

Tứ đức

Trở lại với sự khâm phục và ngưỡng mộ của toàn xã hội, người phụ nữ Việt Nam không bỏ quên những đức tính tốt đẹp sinh thành từ một dân tộc có cội nguồn Mẹ Âu Cơ, Tứ đức của họ được ví như "khuôn vàng thước ngọc". Theo quan niệm từ thuyết Khổng Tử thì Tứ đức phụ nữ là Công, Dung, Ngôn, Hạnh:

  • Công: là nữ công gia chánh, đề cao sự khéo léo và chu đáo của người phụ nữ đối với các công việc nội trợ trong gia đình.
  • Dung: là dung nhan, đề cao cái đẹp tâm hồn và hình thức bên ngoài (biểu hiện sự tươi tắn, không ủ dột trên nét mặt, chăm chút cho mái tóc, hàm răng và trang phục).
  • Ngôn: là lời nói, nhưng không bao giờ chỉ đơn thuần là lời nói, đề cao cả trí tuệtâm hồn người nói (biết cân nhắc lời ăn tiếng nói, không quá lời lúc nóng giận, không ba hoa khi hứng chí, giả dối khi giao tiếp).
  • Hạnh: là hạnh kiểm, đức hạnh (mực thước, nghiêm trang trong dáng đứng, bước đi; thủy chung, yêu chồng, thương con; giàu lòng nhân ái, hy sinh vì người khác).

Người phụ nữ ngày nay là những công dân bình đẳng trong cộng đồng xã hội đó. Sống có trách nhiệm với cộng đồng, có hoài bão và nỗ lực trong công việc, đã thể hiện phẩm chất đạo đức của chữ Hạnh. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, thước đo về chuẩn mực đạo đức đã có sự đổi khác, khi xét Tứ đức người phụ nữ cần có sự hiểu biết nhất định về hoàn cảnh lịch sử trong các giai đoạn để có ứng xử phù hợp, sự kế thừa và phát triển thêm những giá trị đạo đức ở người phụ nữ trong cuộc sống ngày nay cho phù hợp với thời đại, cũng là vấn đề mà xã hội đang quan tâm.

Tín ngưỡng

Thờ cha mẹ

Theo phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người Việt Nam, nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thường có sự so sánh, phân biệt giữa nam giới với phụ nữ. Ngoài việc người đàn ông có trách nhiệm thờ cúng cha mẹ, tổ tiên thì người phụ nữ lấy chồng phải hoàn toàn theo chồng, phải có trách nhiệm thờ phụng tổ tiên nhà chồng. Họ không được thờ phụng cha mẹ đẻ tại nhà mình kể cả khi không có anh em trai, khi đó phải nhờ một người đàn ông khác, có thể là em hoặc cháu trong họ nội thờ cúng hộ. Tập tục xấu này thường tạo ra tiêu cực trong đời sống văn hoá người phụ nữ. Muốn có được người thừa tự, nhiều gia đình chỉ có con gái đã nhận thêm con nuôi là trai. Người chồng cho vợ đi "xin" hoặc người vợ cho chồng đi "ở" với người phụ nữ khác để có con trai. Họ có tâm niệm "bế con chồng hơn bồng cháu ngoại" và không băn khoăn nhiều đến việc để lại hậu duệ, miễn là phải có người "hương khói" về sau.

Lễ chùa, đình và đền

Người phụ nữ đang hành lễ ở Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội.

Phật giáo (Tiểu thừa) được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ qua đường biển vào Việt Nam khoảng thế kỉ 2 sau Công nguyên. Phật giáo Việt Nam không hẳn xuất thế mà thường nhập thế, gắn với phù chú, cầu xin tài lộc, phúc thọ hơn là tu hành thoát tục.[3] Người phụ nữ đi chùa lễ Phật để cầu an, cầu sự may mắn cho bản thân và người thân trong gia đình. Theo quan niệm cũ thì bản chất phụ nữ là chân yếu, tay mềm, cần có sự che chở, giải thoát những bất công, nỗi khổ đau phát sinh từ cuộc sống. Ngoài nhờ cậy từ các yếu tố con người và xã hội giải quyết giúp đỡ thì họ thường tìm đến để cầu nguyện dưới các tượng Phật, các Thần và Tiên ở Chùa, Đền, miếu, phủ... Điều khác biệt trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam là từ các pho tượng như tượng Bà Man Nương, tượng Bà Trắng, Bà Đỏ đến tượng Kim đồng - Ngọc Nữ... đều mang dáng dấp và vẻ đẹp người phụ nữ, bên trong đó quy tụ nhiều nét nghệ thuật thế tục.

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (còn gọi là các Thánh Mẫu), các Thánh Mẫu có sự gắn bó với cuộc sống trần tục, gần gũi với dân gian. Tín ngưỡng này có từ lâu đời, hiện thân của nó là các hiện tượng tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp. Khi trách nhiệm người đàn ông là công việc săn bắn, giữ đất, giữ làng thì công việc nông nghiệp do người phụ nữ hoàn toàn đảm nhiệm. Từ hình ảnh người phụ nữ cụ thể được dân gian nhân hoá thành một bà Mẫu cao cả tâm linh và quyền năng. Qua đó, Mẫu còn được hiểu như là đất, nước, cây lúa, là mọi thứ làm ra sự sống cho con người. Thờ các Thánh Mẫu được xem như một chỗ dựa tinh thần của người phụ nữ, thường mang đậm màu sắc tín ngưỡng của các vùng thuần nông nghiệp. Các đền đài, miếu, phủ thờ tập trung chủ yếu ở các vùng đồng bằng và trung du như Phủ Giầy (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Đền Suối Mỡ (Bắc Giang), Chùa Bà Đức Sanh (Bình Thuận)...

Cưới hỏi

Trước đây người Việt gọi là lễ rước dâu, ngày nay trong ngôn từ của đời sống thường ngày được gọi là lễ cưới. Theo nghi thức truyền thống thì người phụ nữ được hưởng những quyền lợi đầu tiên khi bước chân đến nhà chồng, đồng thời xem đó như sự ràng buộc và tính pháp lý để người chồng phải có trách nhiệm với người vợ trong cuộc sống tiếp theo của hai người. Nghi lễ cưới hỏi thường tuân theo các trình tự như sau:

  • Chạm ngõ: là nghi thức gặp gỡ hai bên gia đình để biết nhau một cách công khai, chính thức;
  • Lễ ăn hỏi: nhà trai mang lễ vật sang nhà gái hỏi vợ, được đựng trong các tráp phủ vải điều màu đỏ gồm trầu, cau, rượu, chè, bánh cốm, bánh xu xê, mứt sen, xôi, thủ lợn, lợn sữa quay.
  • Lễ đính hôn: hay lễ cầu hôn, đối với phong tục phương Tây là lễ trao nhẫn đính hôn.
  • Lễ vấn danh: xem tuổi xung, hợp theo tín ngưỡng của đôi trai gái để chọn ngày giờ tốt cho các nghi thức trong lễ.
  • Lễ nạp tài: nhà trai mang sính lễ sang nhà gái, là trầu cau, gạo nếp, thịt lợn, quần áo và đồ trang sức cho cô dâu. Nhà gái sẽ sử dụng một phần vào lễ ăn hỏi và một phần vào trong lễ cưới.
  • Lễ xin dâu: vào trước giờ đón dâu, mẹ chú rể hoặc một hai bà cô, bà dì sang nhà gái xin đón dâu.
  • Đón dâu: đoàn nhà trai sang nhà gái đón dâu về.
  • Lễ vu quy: tổ chức tại nhà gái để tiễn cô dâu đi lấy chồng.
  • Lễ thành hôn: được tổ chức chính thức bên nhà trai.
  • Lễ tơ hồng: lễ khấn ông Tơ bà Nguyệt và cao đường (cha mẹ), diễn ra tại nhà trai, chỉ gồm những người thân thích.
  • Lễ hợp cẩn: là buổi lễ kết thúc đám cưới, trước giường có bàn bày rượu và một đĩa bánh phu thê (xu xê). Một cụ già đứng lên rót rượu vào chén đưa đôi vợ chồng cùng uống cạn chén, cùng ăn hết cái bánh. Sau đó mọi người ra ngoài hết trừ lại hai vợ chồng mới cưới.
  • Lễ báo hỉ: là tiệc mặn hoặc ngọt tổ chức sau nghi lễ cưới chính thức tại quê quán của cô dâu hoặc chú rể.
  • Lễ lại mặt: do chú rể mang về nhà gái một món đồ lễ tạ sau ngày cưới như một lời cảm ơn bên thông gia.
  • Lễ cheo: lễ vật hoặc kinh phí nộp cho làng, xóm khi có người con trai mới lấy vợ, với dụng ý để xóm làng tiếp nhận thêm thành viên mới.
  • Tuần trăng mật: là thời điểm nghỉ ngơi cho cặp vợ chồng trẻ sau những ngày căng thẳng khi tiến hành hôn lễ.

Tình mẫu tử

Người phụ nữ mang nặng đẻ đau, là người chắp đôi cánh uớc mơ, là nguồn ánh sáng dẫn đường cho người con để bay đến chân trời hi vọng. Với người phụ nữ, con cái là máu thịt, là điều đáng quý trong cuộc đời họ. Tình mẫu tử thiêng liêng cũng chính là cội nguồn của mọi tình cảm.

Ngày nay, công việc chăm sóc con nhỏ không còn vất vả như xưa. Tuy nhiên, người mẹ vẫn là người đóng vai trò chính trong việc hướng con cái mình đến một cuộc sống hoàn thiện cả về thể chất và tinh thần. Tình mẫu tử thiêng liêng thổi vào tâm thức người phụ nữ trong xã hội đang phát triển và hội nhập một sức sống mới mẻ, để dần có sự bứt phá về quan điểm, cách nuôi dạy con cái. Những gia đình có điều kiện kinh tế luôn có xu hướng cho con cái họ theo học trường nổi tiếng trong ngoài nước. Các gia đình vùng nông thôn, miền núi, kể cả những nơi đang phải đối mặt với nghèo khó cũng thấy được tính quan trọng việc học hành đối với tương lai con cái. Ngay cả khi lớn lên, người sát cánh cùng con cái trên con đường đời đầy gian lao và thử thách vẫn là mẹ. Họ là những mẫu người "giản dị mà sâu sắc, kín đáo mà không tĩnh lặng", được thể hiện trong các câu hát, câu thơ sâu lắng. Có câu hát: "Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...", tình yêu thương của người phụ nữ làm mẹ được so sánh như biển Thái Bình rộng lớn.

Đại văn hào Nga Macxim Gorki đã viết: "Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ, hỏi còn đâu?".

Người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử thường gọi là ngày lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng bảy (15-7) âm lịch. Đây là một đại lễ báo hiếu, là cơ hội quý báu để những người con hiếu thảo báo đáp công sinh thành của cha mẹ mình.

Hạn chế trong văn hóa ứng xử

Bạo lực vợ chồng

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực vợ chồng trong gia đình chủ yếu do sự thiếu hiểu biết về bình đẳng giới và luật pháp, ở cả người đàn ông và phụ nữ. Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và UNICEF về Đánh giá các mục tiêu Trẻ em và phụ nữ Việt Nam trong năm 2006, cho thấy có đến 64% phụ nữ độ tuổi từ 15-49 chấp nhận hành vi bạo lực của người chồng vì 1 trong 5 lý do sau: Người vợ đi chơi không báo cho chồng. Người vợ lơ là con cái. Người vợ cãi lại chồng. Người vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng. Và người vợ nấu thức ăn bị cháy. Thông qua nhận định này, cứ 3 phụ nữ được hỏi thì có hai người đồng ý với việc người chồng có quyền người đánh vợ chỉ vì người vợ mắc phải 1 trong 5 điều nói trên.[4]

Bạo lực vợ chồng xảy ra nhiều hay ít, thường xuyên hay không cũng phụ thuộc phần nhiều vào khu vực nơi cư trú. Công việc phổ cập văn hoá và đời sống gia đình tới vùng nông thôn vẫn đang còn hạn chế hơn những nơi đô thị, không những vậy, khi người phụ nữ có trình độ học vấn thấp thì dễ chấp nhận việc bị chồng đối xử bất công, tàn nhẫn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phụ_nữ_Việt_Nam http://docs.google.com/viewer?a=v&q=cache:E7zz7gsT... http://netdepphunu.com/ http://www.nguoichilinh.com/Default.aspx?ID=0&cid=... http://phapluatviet.com/dich-vu-tu-van-luat/71-bat... http://www.voatiengviet.com/content/un-vietnam-gen... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2003/09/3b9cb4ca/ http://wayback.archive.org/web/20130523011134/http... http://web.archive.org/web/20061028001237/http://w... http://web.archive.org/web/20101213062351/http://w... http://web.archive.org/web/20110111163005/http://w...